Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Dân mạng châm biếm anh chàng ‘khóc là phụ, khoe nhẫn là chính’

Một nam sinh chia sẻ những bức ảnh khóc lóc vì mới chia tay người yêu lên facebook khiến cộng đồng mạng xôn xao. Một dân mạng đã làm một bài thơ chế giễu anh chàng này
Cư dân mạng được một phen xôn xao khi bức ảnh chàng trai (được nói là học "Bách khoa") khóc lóc, chụp hình, ghép lại đăng lên lên mạng xã hội và lan truyền đi nhanh chóng.
Ngay sau đó bức ảnh được chia sẻ khắp facebook. Nhiều dân mạng đã chỉ trích anh chàng này yếu đuối, si tình và "làm xấu mặt đàn ông". "Chịu anh này, khóc lóc đau khổ vì tình mà vẫn còn chụp ảnh để đưa lên facebook được", một dân mạng bình luận.
Một dân mạng đã làm một bài thơ dài khá hài hước chế giễu anh chàng này và đã nhận được sự ủng hộ của mọi người.
Bài thơ châm biếm anh chàng khóc chỉ là phụ, khoe nhẫn mới là chính khiến dân mạng rất thích thú.
Bạn Vương Nhã An bình luận: "Đây là bài thơ và tấm hình phù hợp nhất mà em thấy".  l
Bio Chibi bình luận: "Không thốt lên thành lời...cười rung mỡ."
Bạn NhÓc Đz phụ họa: "Ngồi nhìn năm pic thì buồn - Qua nhìn bình luận mặt mình tươi luôn"
Nguyễn Đức Huy bình luận: "Con trai mà bày trò khóc lóc, lại còn up lên face nữa chứ, mất hẳn cả công ghép ảnh nữa cơ mà."
Bạn Đinh Nhật Sơn bình luận: "Giá như bài thơ không có bức ảnh thì ắt hẳn đã là thành công lớn, cho bức ảnh vào chắc chắn là thảm hoạ."
Sau khi bài thơ trên xuất hiện, bức ảnh càng được lan tỏa nhanh chóng hơn trên mạng xã hội.

(Nguồn tiin.vn)

Báo Đức: Assad không ra lệnh tấn công hóa học

Thông tin thu thập được của cơ quan tình báo Đức cho hay Tổng thống Syria Assad không liên quan đến cuộc tấn công hóa học ở nước này.
Tờ Bild am Sonntag của Đức dẫn lời các nguồn tin tình báo cấp cao của Đức cho hay Tổng thống Syria Basha al-Assad không hề đích thân ra lệnh cho các chỉ huy quân sự của mình thực hiện cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học vào ngày 21/8 ở ngoại ô thủ đô Syria.
Các thông tin tình báo này được thu thập dựa trên những cuộc điện thoại do một tàu do thám của cơ quan tình báo Đức hoạt động ở ngoài khơi bờ biển Syria chặn thu được. Các cuộc điện thoại này cho thấy Tổng thống Assad không hề dính dáng gì đến vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mà nhiều quốc gia phương Tây và Mỹ đang tố cáo ông là tội phạm chiến tranh và ráo riết chuẩn bị các phương án tấn công trừng phạt.
Người dân Syria tuần hành ủng hộ Tổng thống Assad
Bản thân Tổng thống Assad cũng đã luôn khẳng định mình không hề liên quan đến vụ tấn công khiến hàng trăm người thiệt mạng này. Trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS, ông nói: “Không có bằng chứng nào chứng tỏ tôi sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân của mình.”
Tuy nhiên báo Bild am Sonntag cho hay những cuộc điện đàm này cũng cho thấy có một số phần tử bên trong lực lượng của quân đội Syria chứ không phải lực lượng đối lập đã sử dụng vũ khí hóa học mà không có lệnh của Tổng thống.
Hiện Tổng thống Mỹ Barack Obama đang hối thúc Quốc hội Mỹ phê chuẩn hành động quân sự nhằm ngăn ngừa chính quyền Syria tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học và làm suy giảm sức mạnh của lực lượng quân đội chính phủ trong cuộc nội chiến với phe nổi dậy đã kéo dài suốt 2 năm rưỡi.
Tuy nhiên ông Obama đang phải đối mặt với thái độ hoài nghi của các nghị sĩ trong Hạ viện khi họ lo ngại về việc Mỹ dính líu vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông và phản ứng của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông tuyên bố bất cứ cuộc tấn công quân sự nào vào Syria mà không thông qua Liên Hợp Quốc đều bất hợp pháp.
Phát biểu trong chuyến công du tới châu Âu để kêu gọi sự ủng hộ cho cuộc tấn công quân sự vào Syria, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Washington không loại trừ khả năng quay trở lại Hội đồng Bảo an để tìm kiếm sự hậu thuẫn cho giải pháp quân sự sau khi các thanh sát viên Liên Hợp Quốc công bố kết quả điều tra vụ tấn công ngày 21/8 dự kiến vào cuối tuần này.
Kết quả thăm dò dư luận ở Pháp cho thấy đồng minh chính ở châu Âu của Mỹ Tổng thống Pháp Francois Hollander đang phải chịu sức ép ngày càng cao khi 64% người dân Pháp phản đối tấn công vào Syria. Trong bối cảnh đó, ông Hollande phải tuyên bố rằng nước này chỉ hành động sau khi có kết quả điều tra của LHQ.
Những thông tin do tình báo Đức thu được về sự “vô tội” của ông Assad trong vụ tấn công này có thể khiến Mỹ càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thuyết phục cộng đồng quốc tế về một biện pháp trừng phạt Syria bằng hành động quân sự. Những thông tin này cũng có thể dẫn đến những nghi vấn rằng ông Assad đã không còn kiểm soát hoàn toàn lực lượng an ninh của nước này.
Phát biểu trong cuộc họp kín với Quốc hội Đức hồi tuần trước, trưởng cơ quan tình báo Đức Gerhard Schindler cho biết họ có cùng chung quan điểm với Mỹ rằng vụ tấn công này là do phe chính phủ thực hiện, tuy nhiên họ vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục để chứng minh cho quan điểm này.
Ông Schindler cho biết tình báo Đức đã chặn được một cuộc điện thoại giữa một thành viên cấp cao của nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon với đại sứ quán IranDamascus cho biết ông Assad đã phạm phải sai lầm lớn khi cho quân sử dụng vũ khí hóa học.
Tuy nhiên ông trùm tình báo Đức tin rằng Tổng thống Assad vẫn sẽ nắm quyền trong một thời gian nữa, bất chấp Mỹ có tấn công vào Syria hay không, thế nên cuộc nội chiến ở nước này có thể kéo dài trong nhiều năm nữa.
Bảo Thành (Theo Guardian) (Khampha.vn)

Đám cưới lạ, anh nhờ em ruột làm… chú rể

Yêu nhau qua những lá thư suốt ba năm đằng đẵng, cô nhân viên thẩm mỹ viện Nguyễn Thị Thùy Trang và chàng trai bị bại liệt Đặng Văn Tĩnh quyết định đi đến hôn nhân, bất chấp sự ngăn cản từ phía gia đình nhà gái.
Tuy nhiên, trong hôn lễ, người đến đón dâu, đứng lên trao nhẫn cưới trong vai trò chú rể lại chính là em trai ruột của Tĩnh.
Tình yêu “ươm mầm” qua những cánh thư
Lúc mới sinh ra, Đặng Văn Tĩnh (SN 1986, ở xóm Bắc Kênh Cầu, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), cũng như bao đứa trẻ khác, hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng đến năm Tĩnh lên bảy tuổi, một bi kịch bất ngờ đổ ập đến, khi cậu đột nhiên bị tê buốt chân tay rồi ngất đi. Sau lần đó, hai khớp tay của Tĩnh dần trở nên lỏng lẻo, mềm oặt, hai chân thì cứng lại không thể di chuyển. Hoảng hốt, gia đình đã đưa Tĩnh đi khắp các bệnh viện điều trị nhưng kết quả không như mong đợi. Từ một đứa trẻ khỏe mạnh, Tĩnh không cử động được, mọi sinh hoạt đều phải nhờ bàn tay của người thân.
Tuy nhiên, đón nhận bi kịch xảy ra với mình, Tĩnh không buông xuôi mà cố gắng đấu tranh để vượt lên. Thời gian trôi qua, không chỉ động viên bản thân mình, anh còn thành lập câu lạc bộ Tỏa sáng ước mơ để giúp những người khuyết tật có được cuộc sống tốt đẹp. Khâm phục trước ý chí và nghị lực ấy, nhiều cô gái trong làng đã đem lòng yêu thương anh. Tuy nhiên, trải qua hai mối tình, Tĩnh đều thất bại bởi: “Gia đình nhà gái kiên quyết không chấp nhận con gái yêu và lấy một người tàn tật”.
Cả gia đình hạnh phúc bên nhau. Ảnh: T.G
Tủi thân sau những đổ vỡ trong tình yêu, Tĩnh sống khép mình hơn. Có giai đoạn, chiếc radio trở thành người bạn thân thiết của Tĩnh. Hàng đêm, chàng trai lại bật đài, theo dõi chuyên mục “Cửa sổ tình yêu” của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) để lắng nghe những tâm sự, trải nghiệm về cuộc sống của giới trẻ. Trong một lần chia sẻ về cuộc đời mình trên chương trình của VOV, anh đã nhận được rất nhiều lời động viên, khích lệ tinh thần. Trong đó, có một cuộc điện thoại làm anh nhớ nhất từ miền Nam gọi ra của Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 1988, quê ở Đồng Nai).
Khâm phục trước ý chí, và nghị lực vươn lên của Tĩnh, Trang đã tìm cách nhắn tin, gọi điện hỏi thăm anh với tư cách là một người đồng cảm. “Khi nghe được những dòng tâm sự của anh Tĩnh trên sóng của kênh VOV, tôi rất khâm phục ý chí, nghị lực vươn lên của anh. Thời gian đầu, tôi coi anh Tĩnh như người bạn bình thường, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ với anh những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng lâu rồi thành quen, hàng đêm, chúng tôi đều nhắn tin qua lại với nhau”, chị Trang kể lại.
Tiếp lời chị Trang, anh Tĩnh cho biết: “Cũng chính từ đây, chúng tôi thư đi thư lại càng nhiều hơn, nói chuyện với nhau rất hợp. Thậm chí thấy chưa đủ, tôi còn nhờ em trai viết thư cho Trang để được nói chuyện dài hơn. “Suốt cả năm trời, hai đứa thư từ, nhắn tin không ngừng nghỉ. Và từ lúc nào, tôi đã đem lòng thương thầm, nhớ trộm cô gái ấy”, Tĩnh chia sẻ.
Thế nhưng, đúng vào lúc tình cảm phát triển sâu nặng hơn, Tĩnh vỡ mộng khi biết Trang là cô gái hoàn toàn bình thường. Sự tự ti về khiếm khuyết bản thân khiến chàng trai trở nên e dè, thậm chí chủ động cắt đứt liên lạc. Song cuối cùng, lý trí không thắng nổi trái tim. Những xúc cảm nhớ nhung, những yêu thương dồn nén bấy lâu dội về cồn cào như sóng biển, sau một thời gian, anh quyết định bỏ qua mọi định, kiến ngỏ lời với cô gái. “Hôm đó, tôi còn nhớ rõ như in vào lúc 22h20, ngày 30 Tết năm 2011. Tôi đã nói với Trang: “Anh yêu em, cho anh một cơ hội bên em nhé”. Nói xong, tim tôi như ngừng đập, như nổ tung khi nhận được câu trả lời của Trang: “Em chờ đợi câu nói này của anh lâu lắm rồi anh có biết không”. Giọng anh Tĩnh tràn đầy hạnh phúc, khiến chúng tôi cứ ngỡ như câu chuyện vừa mới xảy ra ngày hôm qua vậy.
Em trai đóng thế anh trai làm chú rể
Những cánh thư, những tin nhắn điện thoại đã nuôi dưỡng tình yêu của Trang và Tĩnh lớn dần theo năm tháng. Đến một ngày, Trang quyết định xin nghỉ công việc ở thẩm mỹ viện để ra thăm Tĩnh, cũng như gặp mặt gia đình người yêu. Chia sẻ với chúng tôi, chị Trang cho biết: “Vừa bước xuống sân bay, tôi cảm thấy rất xúc động khi người ra đón tôi lại là cha anh Tĩnh. Thấy hình ảnh của bác, tôi có cảm nhận như là những người thân thiết trong gia đình. Lúc đó, tôi đã có suy nghĩ mình nhất định phải trở thành con dâu của bác. Giây phút bước chân vào nhà, thấy anh Tĩnh nằm liệt trên giường mà trái tim tôi thắt lại. Tôi chạy ào lại ôm chầm lấy anh rồi cả hai cùng khóc lên như những đứa trẻ, trước sự ngạc nhiên của cả gia đình. Sau đó, anh Tĩnh quay lại hỏi tôi: “Gặp anh rồi, em có còn yêu anh nữa không. Tôi bảo: “Nếu như không yêu anh thì em đã không có mặt ở đây rồi, em mong anh hãy tin vào tình yêu của em, tin vào trái tim em…””.
Ảnh cưới của anh Tĩnh và chị Trang. Ảnh: T.G
Cảm phục trước tình yêu của Trang dành cho Tĩnh, nhưng ông Đặng Văn Hải (bố đẻ Tĩnh – PV) vẫn lo sợ. Muốn “giữ chân” người con dâu tương lai, ông Hải đã đề nghị hai người đi chụp ảnh cưới trước. Nhưng trái với dự liệu của ông, Trang không những không từ chối mà còn vồn vã nhận lời ngay. Nhớ lại chuyện cũ, ông Hải kể: “Vì thấy con dâu tôi là một người rất tốt, lại yêu thằng Tĩnh chân thành nên tôi muốn hai đứa nó tổ chức đám cưới luôn. Không phải tôi muốn đẩy trách nhiệm chăm sóc Tĩnh cho Trang, mà tôi lo sợ sẽ mất đi một người con dâu tốt như vậy”.
Bàn đến chuyện cưới xin, anh Tĩnh bảo: “Lúc đó, tôi cũng muốn trực tiếp vào ra mắt bố mẹ Trang. Nhưng bản thân tôi như vậy, việc đi lại không thuận tiện. Cân nhắc mãi, tôi đành gọi điện xin cưới qua điện thoại. Lần đầu tiên, tôi rất khổ tâm. Bởi mặc dù Trang đã trình bày trước, song bên kia đầu dây, bố mẹ cô ấy vẫn một mực phản đối. Một phần, các cụ chưa biết tôi là người thế nào, phần khác vì e ngại chuyện con rể bị khuyết tật sẽ khiến Trang vất vả. Để thuyết phục, tôi phải nói đi nói lại với hai cụ, rằng: “Con tuy là người khuyết tật, nhưng trái tim con không khuyết tật. Mặc dù con nằm một chỗ không đi được nhưng con sẽ là một người chồng, một người cha đúng mực. Xin bố mẹ hãy tin con một lần, con sẽ không làm gánh nặng cho vợ con và sẽ chăm sóc được gia đình con bằng chính khả năng và nghị lực của mình””. Cảm phục nghị lực ấy, bố mẹ Trang cuối cùng cũng “xiêu lòng” chấp thuận.
Phải rất vất vả mới thuyết phục được gia đình bên vợ cho cưới, tuy nhiên trong ngày hôn lễ chính thức, Tĩnh phải nhờ em trai thay thế mình làm chú rể. Không được con gái báo trước sự việc, ngay trong lễ thành hôn, bố mẹ Trang đã nổi giận. Lời ra tiếng vào, gia đình nhà gái thậm chí còn đòi hủy bỏ hôn lễ. Anh Tĩnh nhớ lại: “Khi gia đình tôi vào đón dâu mà chú rể lại không phải là tôi, gia đình vợ cho rằng tôi đã phản bội lòng tin của mọi người, bởi vậy mẹ vợ tôi nhất quyết không đồng ý, bất chấp gia đình tôi giải thích mọi điều hơn lẽ thiệt”. Cỗ thì nấu rồi, hàng xóm cũng đã đến chung vui, nhưng cô dâu chú rể thì không được xuất hiện. Mặc cho những cuộc điện thoại của tôi giải thích, bố mẹ vợ tôi nhất quyết từ chối. Lúc đó, bầu trời như sụp đổ, tôi thất vọng tràn trề. Mãi sau đó, nhờ hàng xóm láng giềng biết chuyện hết lời khuyên nhủ, động viên, bố mẹ vợ tôi mới chịu cho nhà trai rước dâu. Đến giờ phút này, khi con tôi chào đời đã được gần một năm, chúng tôi như vẫn còn đang trên mây vậy. Chúng tôi tự hứa với bản thân mình rằng, cách cám ơn mọi người và gia đình tốt nhất đó là phải sống sao cho hạnh phúc, cho trọn đạo vợ chồng, con cái…”.
Vỡ òa trong hạnh phúc, cuối cùng họ đã có được một gia đình nhỏ, ấm áp và yên vui và một bé trai kháu khỉnh. “Tôi không ân hận khi cưới anh Tĩnh làm chồng. Từ cuộc sống của chúng tôi, tôi mong muốn xã hội hãy cởi mở hơn với người khuyết tật, thậm chí người khuyết tật có nhiều điểm mà người bình thường cần phải học tập. Cuộc sống của chúng tôi đã khẳng định điều đó”, Trang chia sẻ.
Tàn nhưng không phế
Với ước mong giúp đỡ người khuyết tật, năm 2011, câu lạc bộ “Tỏa sáng ước mơ” do Đặng Văn Tĩnh làm chủ nhiệm ra đời. Hơn 40 thành viên là hơn 40 số phận, hơn 40 cuộc đời khác nhau, nhưng họ có một điểm chung là nghị lực và mục đích sống vì cộng đồng. Đều đặn hàng tháng, các bạn dạo quanh các con phố từ Hưng Yên tới Hà Nội bán đĩa nhạc, bông tăm, và tổ chức chương trình ca nhạc gây quỹ từ thiện, do chính các thành viên trong nhóm sáng tác và biểu diễn. CLB cũng là chiếc cầu nối giữa những nhà hảo tâm với người khuyết tật, giúp nhiều người khiếm thị tìm được công việc thích hợp tại các cơ sở tẩm quất người mù.

Theo Văn Tâm (Gia đình & Xã hội)

Bệnh nhân 'ma' ở Bệnh viện Bưu điện TPHCM

Có những khoa ở Bệnh viện Đa khoa Bưu điện TPHCM không có giường bệnh thực kê hoặc chỉ có vài giường nhưng mỗi ngày trong hồ sơ vẫn báo cáo có đến hàng chục bệnh nhân nằm điều trị nội trú.
Có những đơn vị thành viên của ngành bưu điện bỗng dưng “bệnh hàng loạt” và kéo nhau nằm điều trị ở bệnh viện này dài ngày… một cách khó hiểu!?
Đồng loạt ốm, 15 ngày khỏi
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, ngày 5 và ngày 7/3/2013 có hơn 50 bệnh nhân là nhân viên của ngành bưu chính, viễn thông tỉnh B.D nhập viện điều trị ở Khoa Phục hồi chức năng- Liên chuyên khoa (PHCN-LCK) của Bệnh viện Đa khoa Bưu điện TPHCM.
Sau điều trị 15 ngày, hơn 50 nhân viên này được cho xuất viện. Khi số lượng lớn nhân viên ở tỉnh này chưa xuất viện thì ngày 12/3/2013, hơn 40 nhân viên khác của ngành này cũng ở B.D được nhập viện vào Khoa PHCN-LCK để điều trị. Ngày 27/3, tức 15 ngày nằm điều trị tại đây, số bệnh nhân này cũng được xuất viện.
“Do chỉ tiêu bệnh nhân trong ngành mà bệnh nhân giao cho khoa quá cao so với thực tế nên khoa đã học tập và làm theo phong trào, chuyển một số ít bệnh nhân đáng nhẽ có thể điều trị ngoại trú sang điều trị nội trú để nâng cao số giường điều trị trong ngành”- giải trình của lãnh đạo một khoa ở bệnh viện này viết.
Khoa PHCN-LCK của bệnh viện này không có giường thực kê nhưng trong hồ sơ lúc nào cũng có bệnh nhân điều trị nội trú. Không hiểu số bệnh nhân là nhân viên của ngành bưu điện ở tỉnh B.D trên đã nằm điều trị ở đâu trong khoảng thời gian này?!.
Trước đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong báo cáo công tác điều dưỡng ngày 8/6/2012 cũng cho thấy, khoa này có 83 bệnh nhân nội trú và khám cho 48 bệnh nhân ngoại trú. Tuy nhiên, số giường thực tế và giường trống ở đây được điều dưỡng báo cáo là “không”. Một bác sĩ trong bệnh viện đặt câu hỏi không biết bệnh nhân nằm ở đâu?

Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện. Ảnh: PV.
Tiếp đó, trong ngày 23/5/2013, có 20 nhân viên của ngành bưu điện ở tỉnh B.T cũng được nhập viện vào Khoa PHCN- LCK để điều trị 15 ngày. Tại Khoa Nội- Lão khoa của bệnh viện này trong ngày 18/4 đến 3/5 có 23 người ở ngành bưu điện của thành phố C.T lên đây nhập viện điều trị cũng với thời gian 15 ngày, cho dù bệnh khác nhau.
Điều lạ là trong số 23 người này thì có đến 8 phó giám đốc ngành viễn thông công tác ở C.T nằm điều trị. Nhiều người nhìn vào hồ sơ này hoài nghi khi thấy lãnh đạo của ngành này có “bệnh hàng loạt”, nhập viện cùng ngày và ra viện một ngày.
Khủng nhất gần 250 bệnh nhân là cán bộ công nhân viên ngành bưu điện ở tỉnh Đ.N trong các ngày từ mồng 3 đến mồng 10 và 13,14, 22,23,24 và 26/5 đều nhập Khoa Nội- Lão khoa để điều trị. Không rõ lượng lớn bệnh nhân điều trị nằm ở đâu khi khoa này có 18 giường thực kê!
Hơn 15 bệnh nhân nằm một giường
Đến ngày 5/9, Khoa Đông y của Bệnh viện Đa khoa Bưu điện ở Thành Thái, quận 10, TPHCM có 10 bệnh nhân trong ngành bưu chính nhập viện điều trị ở đây. Để kiểm chứng sự việc này, chúng tôi đã có mặt tại khoa thời điểm trưa thì không thấy bệnh lưu. Lúc 18 giờ ngày 5/9, chúng tôi có mặt tại đây, hai cửa chính dẫn vào Khoa Đông y đã được khóa ngoài, cửa phía sau là lối thoát duy nhất cũng được khóa trong, không một bóng người.
Trong ngày 5/9/2013, toàn bệnh viện có 221 bệnh nhân, riêng ở Khoa Nội- Lão khoa có 127 bệnh nhân nằm điều trị hầu hết đều bị… suy nhược cơ thể. Điều đáng nói, trong Khoa Nội- Lão khoa này có 18 giường bệnh thực kê. Bất thường hơn, đến ngày 6/9, ngay sau khi Thanh tra Tập đoàn bưu chính vào làm việc thì số bệnh nhân ở Khoa Nội- Lão khoa đột ngột giảm còn… 17 người. Việc cho “bệnh nhân nằm dài ngày” ở đây cũng diễn ra từ trước đó.
Theo tài liệu có được, trong báo cáo ngày 7/6/2012 thì nơi đây có 4 nhân sự nhưng số phải theo dõi cho 273 bệnh nhân điều trị, tương đương một người phải lo cho gần 70 bệnh nhân. Khoa Nội- Lão khoa báo cáo giường thực kê chỉ 18. Có nghĩa hơn 15 bệnh nhân nằm chung… một giường. Một bác sĩ công tác ở bệnh viện này cho biết: “Không hiểu sao bệnh viện khoảng 400 giường bệnh thực kê nhưng có ngày có tới 556 bệnh nhân nội trú mà giường trống vẫn nhiều”.
Bệnh nhân ngành bưu điện, nằm điều trị tại bệnh viện này sẽ được hưởng chế độ tiền ăn, tiền thuốc và tiền giường khoảng 200 - 250 nghìn đồng/ngày. Một phần trong số tiền này được bảo hiểm y tế chi trả, phần còn lại do ngành bưu điện hỗ trợ.
Một cán bộ ở Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết, năm 2012, Bệnh viện Đa khoa Bưu điện TPHCM chịu sự giám sát về thanh toán bảo hiểm của Bảo hiểm Xã hội TPHCM. Tuy nhiên, do phát hiện bệnh viện này đưa bệnh nhân ngoại trú vào làm hồ sơ bệnh án nội trú, nên cơ quan này đã chuyển hồ sơ sang nơi có thẩm quyền làm việc và không tham gia thanh toán bảo hiểm y tế nữa.
Hôm qua 8/9, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với bác sĩ Trương Anh Kiệt- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bưu điện TPHCM để làm rõ sự việc nhưng rất tiếc bác sĩ này không nghe máy.

Theo Lê Nguyễn (Tiền Phong)

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Lời kể của người Việt được giải cứu từ Syria

Chị Lan kể, đến bây giờ, khi đang ở trên quê hương, chị cũng không thể tin nổi mình đã được giải cứu. Hàng đêm, chị bừng tỉnh, người vã mồ hôi, vì cứ nghĩ, mình vẫn đang còn ở nơi cửa tử.
Khi nội chiến ở Syria bùng nổ, chủ nhà bỏ trốn, để lại người phụ nữ Việt Nam giúp việc trong ngôi nhà bị khóa trái cửa ở một vùng tan hoang vì chiến tranh và không còn mấy bóng người. Không thức ăn, súng đạn ầm ầm, chị đã gần như tuyệt vọng...
Lần theo địa chỉ mà Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp, phóng viên NTNN đã gặp được chị Dương Thị Lan, ở thôn 6, xã Nga Bạch (Nga Sơn, Thanh Hóa). Chị là 1 trong 3 phụ nữ đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra khỏi Syria và trở về Việt Nam an toàn.
Máu và xác chết
“Đêm nào tôi cũng mơ thấy những cảnh tượng hãi hùng, bom đạn và xác chết ở Syria” - chị Lan bắt đầu kể cho chúng tôi nghe. Nơi chị làm việc là thành phố Allepo, điểm nóng trong cuộc nội chiến ở Syria. Chị kể, khi cuộc nội chiến bùng nổ, cả thành phố luôn sống trong tiếng bom đạn, chết chóc và luôn lo sợ tính mạng sẽ bị cướp đi bất cứ lúc nào.
Chị đi làm với danh nghĩa là người giúp việc trong gia đình, nhưng thực tế, gia đình nhà chủ này có một nhà máy sản xuất đồ nhựa và chị bị đưa đến đó làm việc. Nhà máy cách nơi ở khá xa, vì vậy, phải đi qua con đường từ nhà đến nơi làm là nỗi kinh hoàng đối với chị. Chị Lan miêu tả, đường phố ở Allepo tan hoang, đi đâu cũng thấy những ngôi nhà nham nhở vì bị bắn phá.
Hãi hùng nhất là khi đang đi thì thấy tiếng súng nổ ầm ầm, như kề sát bên mình, dân chúng chạy tán loạn, người ngã xuống, máu đổ… Nhưng chị vẫn phải kiếm sống, không còn cách nào khác là phó thác cho sự may rủi.
Lời kể của người Việt được giải cứu từ Syria - 1
Nhiều người nước ngoài ở Syria đang chờ được di chuyển khỏi “điểm nóng” này
Rồi một ngày, khi chị tỉnh dậy và đi đến chỗ làm, nhà máy sản xuất nhựa đã biến thành đống đổ nát sau một cuộc giao tranh dữ dội từ đêm hôm trước. Không có nơi làm việc, chị Lan phải ở trong gia đình chủ và làm giúp việc trong nhà.
Không lâu sau đó, vào khoảng đầu tháng 6, sau một đêm tỉnh dậy, chị thấy ngôi nhà trống trơn không một bóng người. Chị phát hiện ra cửa nhà đã bị khóa từ bên ngoài, những người trong gia đình đã lặng lẽ bỏ đi di tản mà không hề cho chị biết. Họ bỏ lại chị trong ngôi nhà mà không có nhiều đồ ăn dự trữ. Đến ngày thứ 3, thứ 4, không có đồ ăn nữa, trong khi hàng đêm súng đạn vẫn nã rền ở khu vực ngay sát ngôi nhà. Không có cách gì để thoát ra ngoài, cũng không có một bóng người nào đi ngang qua để có thể nghe được tiếng kêu cứu, chị Lan gần như tuyệt vọng.
Vào thời điểm ấy, chị bước đến cửa sổ được chắn song sắt và đau khổ nghĩ rằng phải bỏ mạng ở xứ tha hương này, thì chị Lan bỗng nhìn thấy một người lính đi ngang qua tòa nhà. Vì ở trên tầng cao, nên người lính này không nghe được tiếng chị gọi. Chị Lan đã phải dùng một chiếc cốc thủy tinh ném xuống đường để đánh động người lính già, sau đó kể lại sự việc. Người lính này sau khi nghe chị Lan nói thì bỏ đi 30 phút và khi ông quay lại, có thêm 1 cảnh sát Syria đi cùng.
Họ giải cứu chị ra khỏi ngôi nhà và cảnh sát đã đưa chị lên xe thùng, cùng những người lao động nhập cư khác từ Indonesia, Philippines đi về hướng thủ đô Damascus.
Những ngày tị nạn
Khi đến Damascus, chị Lan bị đưa vào trại tị nạn cùng những người Philippines khác. Sau khi cảnh sát xác nhận Việt Nam không có Đại sứ quán tại Syria, họ hỏi chị có quen biết ai là người Philippines không. Rất may mắn, nơi làm việc cũ của chị cũng có vài người Philippines, nên cuối cùng họ quyết định chuyển chị đến trú trong tòa nhà Đại sứ quán PhilippinesDamascus.
Tại đây, chị được họ cho ăn ở, và làm công việc nấu ăn, trước khi liên lạc được với Đại sứ quán Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ. Phải mất hai tháng rưỡi sau đó, người của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) mới tìm đến chị và hỗ trợ tiền vé máy bay để đưa chị ra khỏi Syria, trở về Việt Nam.
Cùng với chị Dương Thị Lan, 2 người phụ nữ khác cũng đã được giải cứu, trong đó có một người đã trở về Việt Nam, và là hàng xóm của chị Lan. Còn người phụ nữ thứ 3 đã ra khỏi Syria và đang chờ chuyến bay trở về Việt Nam. Chị Lan cũng cho biết, những người Việt Nam khác ở Syria cùng cảnh ngộ với chị đang được trú trong Đại sứ quán Philippines.
Chị Lan kể, đến bây giờ, khi đang ở trên quê hương, chị cũng không thể tin nổi mình đã được giải cứu. Hàng đêm, chị bừng tỉnh, người vã mồ hôi, vì cứ nghĩ, mình vẫn đang còn ở nơi cửa tử.
Chị Lan đến Syria để mong tìm được một tương lai sáng hơn cho gia đình, khi con gái chưa được 2 tuổi. 6 năm nơi xứ người, hành trang của chị là một túi quần áo và 500 USD do Đại sứ quán PhilippinesSyria hỗ trợ.
Chị nói, trước khi đi, chị phải đóng 32 triệu đồng (ở thời điểm năm 2007) và trong vòng 6 năm đó, chị chỉ nhận được 1 năm tiền lương với mức lương 150 USD/tháng. Sau năm đầu tiên đó, nhà chủ nói rằng, họ trả lương qua người môi giới, và cho đến khi kết thúc hợp đồng, chị mới được nhận số lương đó. Kể từ đó, 5 năm qua, chồng và con gái chị Lan không hề được nhận đồng tiền nào gửi về từ Syria, trong khi khoản nợ ngày ra đi cứ tăng dần vì tiền lãi. Khi chị đặt chân về đến sân bay Nội Bài, lúc đó đã 1 giờ đêm, chồng chị đang bệnh nặng nằm cấp cứu ở Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa, mẹ chồng thì già yếu, nên chị lặng lẽ bắt xe khách trở về nhà.
Đón chị là cô con gái nay đã lên 8 tuổi, lạ mẹ. Trở về từ tay trắng, nhưng vợ chồng chị giờ đây quyết tâm sẽ bám trụ trên quê hương mình bằng chính nghề nông của gia đình. Khi được hỏi, chị có mong sẽ tìm một cơ hội nào nữa đi ra nước ngoài để đổi đời, chị Lan nói gấp gáp: “Tôi sợ lắm rồi, đến nơi, môi giới đã thu hộ chiếu, coi như mình đã là tù nhân…”.

Theo Đăng Thúy (Dân Việt)

Quen 1 tuần, cô gái rủ bạn vào nhà nghỉ

Nửa đêm, thiếu nữ không muốn về nhà liền gợi ý bạn trai vào nhà nghỉ để qua đêm rồi sau đó cùng gia đình tố cáo người tình.
TAND TP HCM xử sơ thẩm ngày 6/9 đã tuyên phạt bị cáo Trần Quang Thái (SN 1994, quê Bạc Liêu) mức án 9 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”.
Trần Quang Thái quen biết với N.T.B.T. (SN 2000) vào ngày 8/3. Một tuần sau đó, T. chủ động hẹn Thái đi chơi. Đến 18h cùng ngày, Thái chở T. và rủ thêm một người bạn đi nhậu ở một quán bia ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM
Trong lúc nhậu, T. nói muốn đi chơi tiếp và rủ T. cùng người bạn thuê phòng khách sạn ngủ qua đêm. Khi nhận phòng, người bạn của Thái không muốn dính dáng đến việc đưa T. vào khách sạn nên về trước.
Tại khách sạn, Thái đã “mây mưa” cùng cô người yêu nhí mới quen một tuần.
Chiều 16/3, thấy con gái trở về với bộ dạng khác thường, mẹ T. gạn hỏi thì biết toàn bộ sự việc nên làm đơn tố cáo Thái đến cơ quan công an.

Theo Ph. Dũng (Người Lao Động)

Bắt ma túy, phát hiện “lò” vũ khí

Theo Công an quận 7, TP.HCM, qua bắt giữ một vụ mua bán ma túy trên địa bàn, công an đã phát hiện “lò” sản xuất vũ khí, hung khí ngay tại nơi tội phạm ma túy cư trú.
Buôn ma túy kiêm chế tạo súng
Chiều 4/9, trinh sát phát hiện Trần Lê Quốc Anh (tạm trú huyện Bình Chánh) chở Nguyễn Thị Thanh Trúc đến hẻm 109 đường Nguyễn Văn Quỳ (quận 7) bán ma túy cho Trương Quốc Dũng.
Công an ập đến thu giữ xe máy của Anh cùng nhiều tang vật khác. Kiểm tra cốp xe của Anh, công an thu giữ hơn 5 g ma túy tổng hợp, một cây súng bút tự chế cùng tám viên đạn…
Khi dẫn giải Trần Lê Quốc Anh về nơi cư trú, công an bất ngờ khi biết Anh không chỉ buôn bán ma túy mà còn sản xuất vũ khí, hung khí ngay tại nơi ở. Khám xét nhà của Anh tại E5D/18 khu dân cư Gia Hòa, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, công an thu được một súng bút, 10 cây mã tấu, ba dùi cui kim loại, 26 viên đạn tự chế, 20 ống nhựa bằng kim loại bên trong có sáu lỗ tròn và một sườn kim loại màu trắng, một cân điện tử, một máy khoan, hai xe mô tô và một số ma túy.
Trần Lê Quốc Anh và súng bút, hung khí thu giữ tại nơi ở của Anh. (Ảnh do công an cung cấp)
Đồng thời, tại đây công an còn bắt giữ Lê Văn Chiến (ngụ quận 10) và Huỳnh Minh Châu (ngụ quận 8) có hành vi sử dụng ma túy.
Anh khai vừa là con nghiện, vừa mua bán ma túy và sản xuất vũ khí, hung khí nhằm cung cấp cho các “chiến hữu” khác. Theo đó, Anh thường đến khách sạn Hoàng Tuấn (quận 8) để mua ma túy của “đại lý cấp trên” là Nguyễn Minh Trung. Sau đó, Anh đem về phân nhỏ rồi bán lẻ cho các đại lý, con nghiện khu vực quận 7, huyện Bình Chánh. Riêng về hai cây súng bút cùng 34 viên đạn, các vật liệu, dụng cụ để sản xuất súng thì Anh thừa nhận định sản xuất để bán nhưng chưa kịp bán thì bị bắt.
Lần ra “trùm” ma túy trong khách sạn
Từ lời khai của Anh, Công an quận 7, quận 8 ập vào phòng 502 khách sạn Hoàng Tuấn, bắt giữ Nguyễn Minh Trung cùng lượng lớn ma túy (hơn 56,8 g).
Khi khám xét phòng Trung, công an tạm giữ hai con nghiện Trần Văn Tuấn và Diệp Phan Thanh Tuấn. Cả hai khai đến khách sạn để cùng sử dụng ma túy với Trung. Ngoài ra, khi khám xét người và trong xe SH của Thanh Tuấn, công an thu giữ 20 viên cùng bốn gói ma túy tổng hợp. Tuấn khai số ma túy này mua lại của Trung đem về sử dụng dần.
Hiện Công an quận 7 đã ra lệnh tạm giữ Trần Lê Quốc Anh, Nguyễn Minh Trung và Diệp Phan Thanh Tuấn về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Theo HOÀNG TUYẾT (Pháp Luật Tp.HCM)